Những năm gần đây, Binh chủng Tăng thiết giáp (TTG) tiếp nhận, đưa vào trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại, trong đó có xe tăng T-90S/SK. Phục vụ huấn luyện, làm chủ khai thác các loại xe tăng hiện đại, cán bộ, nhân viên kỹ thuật TTG đã chủ động nghiên cứu, phát huy nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đưa vào ứng dụng.
Trong số 31 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các đơn vị thuộc Cục Kỹ thuật Binh chủng TTG được công nhận năm 2022, có 6 đề tài, sáng kiến trực tiếp và hỗ trợ cho việc huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật, khai thác xe tăng T-90S/SK. Trung tá Nguyễn Văn Long, Phó chủ nhiệm Kho Y (Cục Kỹ thuật Binh chủng TTG) có tới 3 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận đều được ứng dụng nhằm quản lý, khai thác hiệu quả loại xe tăng này. Đó là các đề tài: Phần mềm quản lý vật tư, vũ khí, trang bị kỹ thuật, đạn dược; máy niêm cất đa năng để niêm động cơ xe tăng T-90S/SK, T-54, T-55; mô hình đạn trên xe tăng T-90S/SK...
Cán bộ kỹ thuật Kho Y (Cục Kỹ thuật Binh chủng Tăng thiết giáp) giới thiệu mô hình đạn tên lửa xe tăng T-90S/SK. |
Giới thiệu về sáng kiến máy niêm cất đa năng để niêm động cơ xe tăng T-90S/SK, Trung tá Nguyễn Văn Long cho biết: “Kho Y được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản và bảo đảm kỹ thuật số lượng lớn đạn dược, động cơ, khí tài và vật tư kỹ thuật xe tăng T-90S/SK. Đây là vũ khí, khí tài mới, hiện đại, do đó việc bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất động cơ xe tăng T-90S/SK gặp rất nhiều khó khăn. Đơn vị chưa có máy chuyên dùng để bảo quản, niêm cất động cơ, do vậy, nhân viên kỹ thuật phải sử dụng phương pháp niêm thủ công. Nhân viên dùng bơm tay bơm dầu niêm lần lượt vào các xi lanh của động cơ và dùng tay đòn quay trục khuỷu. Cách làm này khiến chất lượng niêm không đồng đều, năng suất thấp, tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí cao, dễ mất an toàn. Từ thực tế đơn vị, tôi đã nghiên cứu thiết kế và lắp ráp thành công máy niêm cất đa năng để niêm động cơ xe tăng T-90S/SK và các loại xe tăng T-54, T-55... Máy có các bộ phận chính gồm: Máy nổ, hộp và cơ cấu truyền lực, hệ thống ly hợp, bơm cao áp. Khi đưa vào sử dụng, máy niêm cất đa năng dễ vận hành, giảm công sức của nhân viên kỹ thuật; chất lượng bảo quản, niêm cất cao, đồng đều, năng suất tăng hơn 3 lần so với phương pháp thủ công, tiết kiệm xăng, dầu, mỡ trong quá trình bảo quản; bảo đảm an toàn cho người và trang thiết bị”.
Để làm chủ công nghệ bảo quản đạn tên lửa của xe tăng T-90S/SK, Trung tá Nguyễn Văn Long đã nghiên cứu xây dựng mô hình bộ đạn tên lửa để đưa vào huấn luyện cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Mô hình thể hiện đầy đủ đặc điểm cấu tạo, nguyên lý hoạt động của đạn tên lửa trên xe tăng T-90S/SK. Các chi tiết, bộ phận của đạn tên lửa được làm từ gỗ, vỏ thép, liên kết với nhau bằng đinh ghim và keo epoxy. Các bộ phận được sơn màu khác nhau, như bộ phận chứa thuốc nổ sơn màu đỏ; bộ phận điện, kíp nổ sơn màu xanh; bộ phận truyền nổ sơn màu đen... Mô hình có kích thước, cấu tạo giống như đạn tên lửa thật của xe tăng T-90S/SK. Nhờ đó, khi huấn luyện, học tập, cán bộ, nhân viên kỹ thuật dễ nắm bắt nội dung, hình dung thực tế, nâng cao kỹ năng thực hành, bảo đảm an toàn. Sáng kiến được ứng dụng rộng rãi ở các đơn vị TTG có trang bị xe tăng T-90S/SK.
Cùng với mô hình huấn luyện, Kho Y đang áp dụng giá kiểm tra bảo quản đạn tên lửa trên xe tăng T-90S/SK. Đây là sáng kiến của đồng chí Nguyễn Văn Kỳ, nhân viên Phân kho Vũ khí-Đạn (Kho Y) thực hiện. Giá có các bộ phận: Thân giá hình chữ nhật, dài 1.050mm, rộng 470mm, gờ 10mm bao xung quanh; hai chân đế giữ phần thân đạn, cách nhau 320mm, dạng hình thang cân, phần trên là một nửa đường tròn có đường kính 130mm, ở giữa đường tròn khoét rãnh, cố định đệm cao su non ở rãnh. Giá còn có các chân đế giữ phần liều phóng và chi tiết chống trượt trục dọc. Giá kiểm tra, bảo quản đạn tên lửa của xe tăng T-90S/SK giúp nhân viên kỹ thuật thao tác nhanh, an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng kiểm tra, bảo quản, niêm cất đạn tên lửa của xe tăng T-90S/SK.
Được trang bị xe tăng T-90S phục vụ huấn luyện, đào tạo, Trường Trung cấp Kỹ thuật TTG đã chỉ đạo Khoa Kỹ thuật chuyên ngành phối hợp với Tiểu đoàn 4 nghiên cứu xây dựng mô hình xe tăng T-90S, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực thực hành của học viên. Thiếu tá Trần Văn Phi, Phó tiểu đoàn trưởng về kỹ thuật Tiểu đoàn 4 cùng với Thượng tá Nguyễn Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật chuyên ngành và các lái xe của Tiểu đoàn 4 (Thượng úy QNCN Nguyễn Công Tâm, Thượng úy QNCN Phạm Ngọc Lộc) đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo mô hình buồng lái xe tăng T-90S. Mô hình buồng lái dài 1.800mm, rộng 1.500mm, cao 1.100mm, nặng 300kg; kết cấu dạng mở, có khung làm bằng sắt hộp, tỷ lệ 1:1 so với buồng lái thật. Mô hình bố trí các cụm dẫn động điều khiển, bảng đồng hồ, máy phương vị, hệ thống khí nén, kính quan sát, ghế ngồi lái, các đèn tín hiệu, hệ thống cung cấp nhiên liệu và thiết bị phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn, thiết bị chữa cháy... Mô hình đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo của nhà trường.
Những đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật thiết thực, có hàm lượng khoa học tốt, sáng tạo đưa vào ứng dụng đã giúp cán bộ, nhân viên kỹ thuật TTG nâng cao trình độ làm chủ khai thác vũ khí, trang bị, khí tài xe tăng T-90S/SK, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội TTG.
Bài và ảnh: HƯƠNG HỒNG THU
(Nguồn: Báo QĐND điện tử)