Ngày 18/11/1971, Trung đoàn xe tăng 201 được thành lập, tiền thân của Lữ đoàn xe tăng 201 ngày nay. Lễ công bố quyết định 211/QP của Bộ Quốc phòng thành lập Trung đoàn được tổ chức tại thôn Đồng Vai, xã Thuỷ Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội).
Trung đoàn có nhiệm vụ: "Khẩn trương ổn định biên chế, tổ chức, xây dựng đơn vị, huấn luyện bổ sung, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu, chi viện lực lượng cho chiến trường, đồng thời tiếp nhận một số đơn vị từ chiến trường ra tăng cường củng cố lực lượng. Bảo vệ vững chắc khu vực đóng quân, sẵn sàng cơ động đánh địch trong mọi tình huống".
Sự ra đời của Trung đoàn xe tăng 201 là sự kiện phản ánh bước phát triển của lực lượng Tăng thiết giáp trong giai đoạn mới của cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của Binh chủng Tăng thiết giáp.
Ngay sau ngày thành lập, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp đã giao cho Trung đoàn nhiệm vụ “Khẩn trương xây dựng các đơn vị trong trung đoàn, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ”. Bằng ý chí, nghị lực và quyết tâm cao với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Trung đoàn 201 đã đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vừa củng cố xây dựng doanh trại, vừa học tập, huấn luyện. Chỉ sau 3 tháng làm công tác chuẩn bị, Trung đoàn đã nhận nhiệm vụ lên đường vào Nam chiến đấu, đồng thời tiếp nhận các đơn vị từ chiến trường về để củng cố, xây dựng bảo vệ vững chắc khu đóng quân, sẵn sàng cơ động đánh địch trong mọi tình huống.
Ngày 5/3/1972, Tiểu đoàn xe tăng 4 đã vinh dự trực tiếp tham gia chiến đấu tại Quảng Trị trong đội hình Trung đoàn tăng 203 và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nhiều chiến công. Trong đó Đại đội 10, nay là Đại đội 7, Tiểu đoàn tăng 1 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” (ngày 20/12/1972) và được tặng thưởng 3 Huân chương chiến công giải phóng.
Chiến công nối tiếp chiến công, trong năm 1972, ngoài nhiệm vụ huấn luyện bổ sung lực lượng cho chiến trường, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ bảo vệ vững chắc địa bàn đóng quân. Với tinh thần cảnh giác, SSCĐ cao, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 19 và Đại đội 29 cao xạ đã kịp thời nổ súng, bắn rơi 2 máy bay F4 và F4C của địch vào ngày 18/7/1972 và 10/8/1972. Các chiến công đó đã mở đầu cho truyền thống vẻ vang của Trung đoàn là "Đoàn kết, hiệp đồng chủ động vượt khó, chi viện kịp thời, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành - Đã ra quân là đánh thắng" góp phần khẳng định và tô thắm truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng thiết giáp anh hùng. Song song với nhiệm vụ trên, Trung đoàn còn triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức lực lượng đưa một khối lượng xe pháo, trang bị đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào, được nhân dân và quân đội nước bạn tin tưởng và mến phục.
Cùng với bước phát triển nhanh chóng của lực lượng Tăng thiết giáp toàn quân, để chuẩn bị tốt lực lượng đón thời cơ chiến lược giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 25/10/1973, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 144/QĐ-QP thành lập Lữ đoàn xe tăng 201 trên cơ sở Trung đoàn xe tăng 201. Đây là thời điểm đánh dấu bước trưởng thành của đơn vị, ghi nhận sự đi lên và là định hướng phát triển lực lượng Tăng thiết giáp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Cũng từ đây Lữ đoàn đảm nhận vai trò quan trọng là “Lữ đoàn xe tăng cơ động dự bị chiến lược của Bộ”.
Cuối tháng 3/1975, Bộ Quốc phòng quyết định đưa một phần lực lượng của Lữ đoàn 201 vào chiến trường. Tiểu đoàn xe tăng 2 vinh dự được đại diện cho Lữ đoàn đi nhận nhiệm vụ chiến đấu trước, trong đội hình Lữ đoàn 273 trên chiến trường Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, có nhiệm vụ lấy xe tăng địch, đánh địch. Sau 10 ngày hành quân thần tốc, Tiểu đoàn đã có mặt ở vị trí tập kết, khẩn trương chuẩn bị tham gia chiến đấu. Trong đội hình Lữ đoàn 273 suốt cả chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đến kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, Tiểu đoàn 2 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chống chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, Lữ đoàn đã góp sức chi viện được 17 Tiểu đoàn, 2 đại đội, 18 trung đội, vận chuyển hàng trăm tấn khí tài đắc lực cho các chiến trường.
Bước vào thời kỳ cách mạng mới, tổ chức biên chế và nhiệm vụ chính trị của Lữ đoàn ổn định. Từ năm 2010, Lữ đoàn được củng cố, kiện toàn theo quyết định số 50/QĐ-TM của Tổng Tham mưu trưởng về tổ chức biên chế thời bình. Nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ được bổ sung, phát triển cả phạm vi, mục tiêu và yêu cầu, chất lượng; đồng thời sẵn sàng đón tiếp, phục vụ các đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội, các đoàn khách quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu tại Lữ đoàn. Từ sự phát triển mới của tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ, Lữ đoàn xác định chủ trương xuyên suốt là tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị anh hùng; giữ vững và không ngừng nâng cao hiệu quả các mặt công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; xứng đáng với vị thế và niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Với thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì; 18 Huân chương chiến công các loại; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba; 4 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; 32 lần được tặng thưởng cờ luân lưu cùng nhiều Cờ thưởng, Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, năm 2001, Lữ đoàn vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới; năm 2016 được Chính phủ tặng Cờ thi đua và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba…
Hiện nay, nhiệm vụ chính trị trung tâm của Lữ đoàn là huấn luyện, SSCĐ và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi ngày càng cao; truyền thống nhiệm vụ nào cũng hoàn thành cần được phát huy một cách thiết thực, nó không chỉ bó hẹp ở khẩu hiệu hành động mà phải trở thành phương châm chỉ đạo và tình cảm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành cũng chính là cơ sở tiền đề để Lữ đoàn giữ vững và phát huy truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp Anh hùng./.
DN/PTH