Đến Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp, khách tham quan sẽ được tận mắt ngắm nhìn và nghe giới thiệu về những hiện vật lịch sử gắn liền với chiến công vang dội trong trận đầu ra quân đánh thắng ở Tà Mây, Làng Vây, mở ra trang sử vàng truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam Anh hùng.
Tại tầng l của bảo tàng, trong không gian trưng bày những chiếc xe tăng thiết giáp có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, khách tham quan đặc biệt chú ý đến Xe tăng PT-76 mang số hiệu 555 được mệnh danh là “Mãnh hổ Đường 9” gắn liền với những chiến công vang dội trong trận đầu ra quân đánh thắng ở Tà Mây - Làng Vây năm 1968 và chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971.
Chúng tôi được chứng kiến những cuộc gặp gỡ đầy xúc động của các cựu chiến binh, bên "chiến mã" năm xưa, họ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm hào hùng và nhớ về thời khắc lịch sử ngày nào.
Đứng bên chiếc xe tăng 555 trưng bày tại bảo tàng, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, Trưởng xe 555 ngày nào tự hào cho biết: Xe tăng 555 biên chế thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 198, Trung đoàn xe tăng 203, với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, tập thể Xe tăng 555 đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.
Đoàn cán bộ học viên Quân đội nhân dân Lào tham quan hiện vật trưng bày tại bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp. |
Trong số hàng nghìn hình ảnh, tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng, Chiếc bánh chịu nặng và mắt xích xe PT-76 là hiện vật tuy không gây ấn tượng mạnh như những cỗ xe tăng, hay khẩu súng, quả đạn nhưng để lại sự ngạc nhiên, bất ngờ đối với khách tham quan bởi những mắt xích đã mòn vẹt, cong vênh; bánh chịu nặng còn trơ vành thép cứng ấy lại chính là dấu ấn của cuộc hành quân có một không hai trong lịch sử thế giới, cuộc hành quân băng xích của Tiểu đoàn tăng 198 vượt hàng ngàn ki-lô-mét dọc đường Trường Sơn, dưới làn mưa bom, bão đạn ác liệt của kẻ thù vào tham gia chiến đấu tại Làng Vây.
Quá trình hành quân, bộ đội xe tăng đã có rất nhiều sự sáng tạo: Tháo rời từng mắt xích, chọn những mắt còn dùng được chuyển từ dải xích bên trái qua dải xích bên phải hoặc ngược lại, lắp xen kẽ những mắt xích vỡ với mắt xích lành. Thắng lợi của cuộc hành quân đầy cam go, khốc liệt ấy là yếu tố quan trọng góp phần vào thắng lợi giòn giã của bộ đội Tăng Thiết giáp trong trận đầu ra quân đánh thắng.
“Bộ đội xe tăng không chỉ chiến đấu bằng những vũ khí kỹ thuật hiện đại mà còn sử dụng cả những phương tiện rất thô sơ, gần gũi trong cuộc sống hằng ngày để đánh giặc” - đó là lời tâm sự của một khách tham quan đến từ Quảng Trị, khi tới thăm bảo tàng, điều tạo nên những bất ngờ trong lòng vị khách ấy chính là chiếc sào đẩy và mảnh dù pháo sáng những vật dụng đơn sơ được bộ đội xe tăng và công binh sử dụng để tạo nên yếu tố bất ngờ trong trận đánh năm xưa hay chiếc nồi đồng A chói, thuyền độc mộc của đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã sử dụng để nấu cơm, đồ xôi, tiếp tế lương thực, vận chuyển đạn pháo, vật tư, khí tài, bình điện giúp bộ đội xe tăng làm công tác chuẩn bị chiến đấu trong trận đánh cứ điểm Làng Vây (1968).
Các cháu mẫu giáo trường mầm non Thượng Cát, Bắc từ Liêm, Hà Nội tham quan hiện vật trưng bày tại bảo tàng. |
Với giọng nói truyền cảm, lời dẫn ngắn gọn, xúc tích, các thuyết minh viên của Bảo tàng đã truyền tải đến khách tham quan nhiều câu chuyện cảm động về những hiện vật ẩn chứa biết bao kỷ niệm thiêng liêng về một thời tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chiếc đèn pin dùng làm tín hiệu hướng dẫn xe tăng ta bí mật vào vị trí tập kết tại Làng Troài để chuẩn bị đánh cứ điểm Làng Vây; vỏ đạn 12,7mm và mũ xe tăng của đồng chí Nguyễn Văn Duyên, Trưởng xe 555... và còn rất nhiều hiện vật mà nếu nhìn qua sẽ chẳng ai biết được đằng sau đó là những câu chuyện dài, có cả nụ cười, nước mắt và thấm đẫm máu xương của những người lính xe tăng để làm nên chiến thắng.
Đó là lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” cắm trên Xe tăng 565, là súng tín hiệu mà Tiểu đoàn tăng 198 đã sử dụng hiệp đồng chiến đấu trong trận tiến công cứ điểm Làng Vây… và rất nhiều những câu chuyện không thể kể hết bằng lời. Mỗi hiện vật gắn liền với những chiến công hiển hách, những tấm gương tiêu biểu của người lính xe tăng những người đã tạo dựng và xây nên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”.
Truyền thống là mạch nguồn nối liền giữa quá khứ với hiện tại, những hiện vật truyền thống đang được lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp là những hiện vật vô giá in đậm dấu ấn lịch sử sẽ mãi được trân trọng, lưu giữ như là minh chứng đầy đủ nhất cho lòng dũng cảm, sự sáng tạo và ý chí quyết tâm ra quân đánh thắng trận đầu của những người lính xe tăng. Bảo tàng thực sự trở thành địa chỉ đỏ để tham quan, học tập, giáo dục truyền thống cho bộ đội và nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
ĐINH MAI LAN
(Nguồn: Báo QĐND điện tử)