Vang mãi chiến công đầu - Kỷ niệm 56 năm ngày Ra quân đánh thắng trận đầu của Bộ đội Tăng thiết giáp (07/02/1968-07/02/2024)

Đường dây nóng

Thứ Ba, 13/05/2025 20:50 GMT+7
Vang mãi chiến công đầu - Kỷ niệm 56 năm ngày Ra quân đánh thắng trận đầu của Bộ đội Tăng thiết giáp (07/02/1968-07/02/2024)
05/02/2024 10:30 AM 80 Lượt xem

MỤC LỤC

    Đất nước ta đang bước vào một mùa xuân mới - Xuân Giáp Thìn, năm 2024. Đối với Bộ đội Tăng thiết giáp nói chung và cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Tăng thiết giáp nói riêng, xuân năm nay còn có ý nghĩa rất đặc biệt. Bởi lẽ đây là năm Bộ đội Tăng thiết giáp kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống của mình. Nhìn lại lịch sử ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Tăng thiết giáp luôn gắn liền với những dấu mốc quan trọng của dân tộc và Quân đội. Giai đoạn những năm 1954 - 1960, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đảng ta chủ trương từng bước hiện đại hóa Quân đội. Theo đó, ngày 05 tháng 10 năm 1959, Bộ Quốc phòng chính thức ra quyết định thành lập Trung đoàn xe tăng đầu tiên lấy phiên hiệu 202. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển tất yếu của Quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại. Ngay từ những năm tháng đầu tiên xây dựng lực lượng, Bộ đội Tăng thiết giáp luôn được đón nhận tình cảm lớn lao và sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Quân ủy, Bộ Quốc phòng, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Ngày 21 tháng 7 năm 1962, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về thăm, động viên bộ đội xe tăng và phát biểu chỉ rõ “Phút đầu tiên được nhìn thấy các chiến sĩ xe tăng Việt Nam lái những chiếc xe tăng đầu tiên, tôi không nén nổi xúc động. Đã từ lâu, Đảng ta, nhân dân ta mong ước có trong tay loại vũ khí lợi hại này, lợi là lợi cho ta, hại là hại cho địch, sớm muộn gì cũng phải có, thế hệ trước chưa có thì thế hệ sau phải có, nhất định phải làm…”

    Và rồi, sự lợi hại của xe tăng ta như lời khẳng định của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã được minh chứng tại điểm cao 320 lịch sử, mảnh đất Làng Vây còn in đậm những dấu tích oai hùng của trận đánh 56 năm về trước. Ngược dòng thời gian trở về với những năm cuối của thập kỷ sáu mươi, trong thế kỷ hai mươi, tình hình cách mạng nước ta có bước phát triển mới, xuất hiện thời cơ chiến lược lớn, Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 12 năm 1967 xác định Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên một bước cao nhất bằng phương pháp tổng khởi nghĩa, tổng công kích giành thắng lợi quyết định”. Thực hiện chủ trương trên, Đảng ta đã quyết định mở chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, bằng tác chiến hiệp đồng Binh chủng quy mô lớn, nhằm thu hút, giam chân phần lớn lực lượng cơ động của Mỹ - Ngụy trên hướng Bắc, tạo điều kiện cho các hướng khác tiến công và nổi dậy trong dịp tết Mậu Thân 1968. Niềm mong ước cháy bỏng được xuất trận lập công của Bộ đội xe Tăng đã trở thành hiện thực. Ngày 05 tháng 8 năm 1967 Bộ Tư lệnh Thiết giáp đã được Bộ Quốc phòng thông báo chuẩn bị đưa 2 đại đội xe Tăng PT-76 vào chiến trường miền Nam chiến đấu.  

    Nhận mệnh lệnh của trên, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Binh chủng lúc đó xác định: “Mặc dù mới chỉ đưa một lực lượng nhỏ đi chiến đấu, nhưng phải kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ cao nhất vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu, vừa để xây dựng truyền thống của Binh chủng, vừa để rút ra những kết luận, kinh nghiệm thực tiễn cho việc xây dựng, huấn luyện Binh chủng trong thời gian tới”. Với quyết tâm đó, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Binh chủng đã lựa chọn và quyết định sử dụng Đại đội tăng 3 và Đại đội tăng 9 thuộc Tiểu đoàn tăng 3, Trung đoàn 203 thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. 

    Trên cơ sở của hai đại đội, Trung đoàn 203 đã thành lập một Tiểu đoàn mới lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 198, gồm: Đại đội tăng 3 và Đại đội tăng 9, với 22 xe Tăng PT-76, có 4 Trung đội bảo đảm. Sau một thời gian tích cực làm công tác chuẩn bị ở hậu phương lớn miền Bắc và trải qua 50 ngày đêm hành quân từ miền Bắc vào chiến trường trong điều kiện địa hình phức tạp, không quân địch đánh phá ác liệt. Nhưng với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cùng tinh thần “Mở đường mà đi, đánh địch mà tiến”, Tiểu đoàn Tăng 198 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hành quân vượt qua chặng đường dài hơn một nghìn km từ Lương Sơn (Hoà Bình) đến Đường 9 - Nam Lào vào khu tập kết chiến dịch, giữ được bí mật, an toàn. Đây được coi là cuộc hành quân lịch sử bằng xích của xe tăng ta. Thành công của cuộc hành quân không chỉ được tính bằng chiều dài của mỗi cung đường, vòng quay của xích sắt xe tăng đã đi qua mà còn thể hiện rõ: Nét độc đáo, sự sáng tạo cùng quyết tâm cháy bỏng của cả một thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tăng thiết giáp - những người đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây nên truyền thống vẻ vang của Binh chủng anh hùng. Theo kế hoạch tác chiến chiến dịch, đêm ngày 23 rạng ngày 24 tháng 01 năm 1968 Đại đội Tăng 3 được giao nhiệm vụ phối thuộc cho Trung đoàn bộ binh 24, Sư đoàn 304 tiêu diệt địch ở cứ điểm Tà Mây mở đường cho quân ta tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Đúng 20 giờ ngày 23 tháng 01 năm 1968 các trung đội xe Tăng lần lượt xuất kích; sau gần 8 giờ vừa hành quân, vừa khắc phục sa lầy, vừa phải bảo đảm yêu cầu giữ bí mật, đến 6 giờ 30 sáng ngày 24 tháng 01 năm 1968 xe Tăng ta chở bộ binh dùng tốc độ cao vượt lên theo Đường 9, đánh thẳng vào bên trong cứ điểm, dùng hỏa lực bắn sập các lô cốt, ụ súng dẫn dắt chi viện cho bộ binh xung phong tiêu diệt địch. Toàn bộ cứ điểm Tà Mây ngập chìm trong lửa đạn. Với sự xuất hiện quá bất ngờ của xe Tăng ta đã làm cho quân địch hết sức hoảng loạn tháo chạy, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh ta truy kích, tiêu diệt địch, làm chủ trận địa trong một thời gian ngắn. 

    Mặc dù trận đánh Tà Mây không lớn về quy mô; song cho thấy khi có hoả lực mạnh và sức cơ động cao của xe Tăng tham gia, thì sức đột kích chủ yếu của lục quân đã được tăng lên mạnh mẽ, làm cho sự chống trả của địch bị suy giảm. Chiến thắng Tà Mây đã biến quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ xe Tăng “Ra quân đánh thắng trận đầu” trở thành hiện thực, đồng thời tạo được niềm tin chắc thắng cho bộ binh và các đơn vị bạn trong trận đánh tiếp theo. Sau trận Tà Mây, Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định đưa cả Tiểu đoàn Tăng 198 vào tham gia chiến đấu cùng với Trung đoàn Bộ binh 24 thuộc Sư đoàn Bộ binh 304 và một Tiểu đoàn của Sư đoàn Bộ binh 325, thực hiện đánh trận then chốt, tiêu diệt cứ điểm Làng Vây

    Chiếc xe tăng mang số hiệu 555 - Đại đội 3 - Tiểu đoàn Tăng 198 lập công xuất sắc trong trận đầu ra quân đánh thắng ở Tà Mây - Làng Vây (1968) và chiến dịch Đường 9 Nam Lào (năm 1971).

    Sau khi nhận nhiệm vụ, để bảo đảm chắc thắng, cán bộ chỉ huy các cấp Tiểu đoàn tăng 198 và các lực lượng cùng tham gia chiến đấu đã trinh sát kỹ địa hình, làm tốt công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu. Việc sử dụng xe tăng đánh cứ điểm Làng Vây sẽ không còn giữ được yếu tố bất ngờ về lực lượng, bộ đội xe tăng lại tạo ra sự bất ngờ mới đối với địch về hướng tiến công. Quyết tâm xung trận với rất nhiều khó khăn thử thách phải vượt qua, đặc biệt là yêu cầu giữ bí mật khi thời gian trận đánh phải hoãn lại trong khi xe tăng ta đã vào tới vị trí tập kết trước chiến đấu; lại một lần nữa sự sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ xe tăng được phát huy trong thực tế khắc nghiệt của chiến trường. Chiến sĩ xe tăng đã dùng tre nứa đan sọt, đổ đất đánh từng vầng cỏ tranh trồng và xếp lên xe để ngụy trang, khi thay xích dùng đế dép cao su đệm vào khi đóng để giảm bớt tiếng ồn và cùng với các biện pháp khác mà suốt 12 ngày đêm nằm sát gần căn cứ địch - ta vẫn giữa được bí mật, an toàn. Lịch sử sẽ còn mãi nhắc nhớ đến chiến công đầu của bộ đội Tăng thiết giáp bởi tại Làng Vây vào đêm mùng 6, rạng ngày mùng 7 tháng 2 năm 1968, sau hơn 4 giờ chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo bộ đội xe tăng đã phát huy tốt vai trò đột kích, đột phá, thọc sâu chi viện cho bộ binh và các lực lượng khác tiêu diệt và bắt sống gần 600 tên địch, thu toàn bộ VKTB, làm chủ trận đánh.    

    Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây đã đi vào lịch sử Bộ đội Tăng thiết giáp như một mốc son chói lọi. Chiến thắng được bắt nguồn từ đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sáng suốt của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp. Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây còn là thắng lợi của tinh thần đoàn kết chiến đấu hiệp đồng, lập công tập thể giữa bộ đội xe Tăng với các quân binh chủng bạn. Đặc biệt là sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền cùng đồng bào các dân tộc huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị đối với bộ đội xe Tăng cả trước, trong và sau trận đánh. 

    Chiến sĩ Quân Giải phóng cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập.

    Với chiến thắng trận đầu cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tăng 198 đã tạo nên một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Binh chủng, xứng đáng với lời khen ngợi của Bộ tổng Tư lệnh trong bức điện ngày 7 tháng 02 năm 1968: Bộ tổng Tư lệnh nhiệt liệt biểu dương Binh chủng và đơn vị đã đánh thắng oanh liệt trận đầu, góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của bộ đội thiết giáp nói riêng và của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung “Hễ ra quân là đánh thắng, đã nổ súng là tiêu diệt địch giòn giã”. Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây đã mở ra truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam Anh hùng, là bước ngoặt lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh và là điểm tựa vững chắc để bộ đội Tăng thiết giáp viết tiếp những chiến công. Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội Tăng thiết giáp đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, luôn có mặt trong những chiến dịch, trận đánh quan trọng, then chốt, then chốt quyết định; ở những thời điểm lịch sử có tính chất bước ngoặt, góp phần cùng quân và dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước. Đồng thời, làm tròn nhiệm vụ quốc tế vẻ vang và bảo vệ vững chắc độc lập tự do của Tổ quốc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

    Kỷ niệm 56 năm ngày Ra quân đánh thắng trận đầu và nhìn lại chặng đường 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của bộ đội Tăng thiết giáp. Chúng ta càng vinh dự, tự hào về những chiến công và truyền thống vẻ vang, lại càng ý thức sâu sắc hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm và tình cảm của mình bởi trong mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công trên chặng đường lịch sử vừa qua đều bắt nguồn từ công lao tổ chức giáo dục rèn luyện của Đảng, Bác Hồ kính yêu; sự chăm sóc nuôi dưỡng, giúp đỡ chở che hết lòng của nhân dân cả nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự tin yêu giúp đỡ của các quân, binh chủng bạn và công lao, sự hy sinh to lớn của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Các lớp cha anh đi trước đã chiến đấu dũng cảm kiên cường, không sợ hy sinh, gian khổ để xây dựng và tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Bộ đội Tăng thiết giáp “Đã ra quân là đánh thắng”

    Cận cảnh xe tăng 268 - biểu tượng “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp.

    Những trang sử vẻ vang về Quân đội nhân dân Việt Nam, về bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam anh hùng sẽ mãi mãi đồng hành, trường tồn cùng năm tháng. Bởi đó là những trang sử được viết nên bởi ý chí kiên cường, lòng quả cảm, đức hi sinh của cả một thế hệ cha anh đã tự nguyện cống hiến, hy sinh, xả thân hết mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. 

    Trong những năm qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương - Bộ quốc phòng, phát huy truyền thống và nội lực Binh chủng TTG đã có nhiều bước phát triển mới, nội bộ đoàn kết, thống nhất, các nhiệm vụ đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc. Đặc biệt những năm gần đây sau khi được trang bị xe tăng thế hệ mới và tham gia tích cực vào Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) tại Liên bang nga thành tích của Đội tuyển xe tăng được nâng lên sau từng năm cụ thể: năm 2018 lần đầu tham gia với nhiều bỡ ngỡ Đội tuyển chúng ta đứng thứ 17/22 đội tham gia, năm 2019 Đội tuyển đạt Huy chương Bạc bảng 2, năm 2020 Đội tuyển xuất sắc giành Huy chương Vàng bảng 2 và được chuyển lên thi đấu tại bảng 1 cùng với đội tuyển của các nước có tiềm lực quân sự mạnh, năm 2021 Đội tuyển tiếp tục giữ vững thành tích trụ hạng thi đấu tại bảng 1, năm 2022 Đội tuyển thi đấu xuất sắc lọt vào vòng bán kết bảng 1, riêng nội dung xạ kích tiêu diệt 20/24 mục tiêu đứng thứ 2 sau Liên bang Nga. Đồng thời Binh chủng đã hoàn thành tốt và có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, nhất là những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, nhiệm vụ chưa có trong tiền lệ như giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh Covid - 19.

    Truyền thống là cầu nối liền giữa quá khứ với hiện tại và hướng đến một tương lai tươi sáng. Lấy truyền thống làm điểm tựa để vững bước đi lên cán bộ, chiến sĩ lực lượng Tăng thiết giáp nói chung, Binh chủng Tăng thiết giáp nói riêng nguyện sắt son một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm chiến đấu trong trận đầu ra quân đánh thắng vào thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; luôn nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta viết tiếp những trang sử mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam XHCN./.

    Tin tức liên quan

    sd0966342792 sd0966342792